Rượu, bia là những thức uống không thể thiếu trong những dịp liên hoan, cỗ, lễ… Tuy nhiên từ đầu năm đến nay, tình trạng ngộ độc rượu đã đến mức báo động. Theo Trung tâm chống độc – Bệnh viện Bạch Mai từ tháng 1 đến nay đã có 34 bệnh nhân phải cấp cứu do ngộ độc methanol tại trung tâm. Trong số đó, 9 bệnh nhân tử vong tại viện hoặc bệnh nặng gia đình xin về. Nhiều bệnh nhân di chứng do tổn thương mắt, não nặng nề dù đã được lọc máu thải độc tích cực, tốn kém kinh phí.
BS. Trương Bảo Duy
Ngộ độc rượu là gì?
Ngộ độc rượu là một bệnh lý nghiêm trọng và đôi khi gây chết người - hậu quả của lượng rượu tiêu thụ lớn trong một thời gian ngắn. Uống quá nhiều, quá nhanh có thể ảnh hưởng đến hô hấp, nhịp tim và có khả năng dẫn đến hôn mê và tử vong.
Một người bị ngộ độc rượu cần có nhu cầu chăm sóc y tế ngay lập tức. Nếu nghi ngờ ai đó đã bị ngộ độc rượu, hãy cấp cứu y tế.
Nguyên nhân của ngộ độc rượu
Nguyên nhân của ngộ độc rượu là do lạm dụng rượu, uống rượu vượt quá mức chấp nhận của cơ thể, do sử dụng rượu không đảm bảo an toàn thực phẩm như: uống phải rượu pha cồn công nghiệp methanol hoặc ethylene glycol; do uống rượu ngâm với thảo mộc (như lá, rễ, hạt cây) hoặc ngâm với động vật (như mật, phủ tạng…)
Không giống như thực phẩm, có thể mất thời gian để tiêu hóa, rượu được hấp thu nhanh chóng bởi cơ thể trước hầu hết các chất dinh dưỡng khác. Nếu uống khi đói, khoảng 20% rượu được hấp thụ trực tiếp từ dạ dày và có thể tới não trong thời gian chưa đến 1 phút.
Hầu hết rượu, mặc dù được xử lý bởi gan. Mất khoảng một giờ cho gan xử lý (chuyển hóa) 1 đơn vị rượu. Tổ chức y tế thế giới đưa ra một đơn vị rượu chuẩn chứa 10g cồn. Một đơn vị rượu chuẩn này tương đương với một chén rượu mạnh (40 độ, 30 ml); một ly rượu vang (13,5 độ, 100 ml); một cốc bia hơi (330 ml); 2/3 chai hoặc lon bia (330 ml). Nam giới uống quá 3 đơn vị rượu/ngày; nữ giới uống quá 2 đơn vị rượu 1 ngày được coi là lạm dụng rượu. Và tuyệt đối không được uống quá 5 đơn vị rượu trong một thời gian ngắn.
Tỷ lệ rượu được xử lý có thể thay đổi tùy thuộc vào cơ địa của từng người hoặc tình trạng sức khỏe của người đó.
Triệu chứng và biến chứng
Rượu làm chậm kiểm soát dây thần kinh các hành động không tự chủ như hơi thở, nhịp tim. Uống rượu quá nhiều có thể làm chậm và trong một số trường hợp có thể ngừng chức năng hô hấp và tuần hoàn. Nhiệt độ cơ thể cũng có thể hạ, dẫn đến ngừng tim. Và lượng đường trong máu có thể giảm thấp, đủ để gây ra cơn động kinh.
Bệnh nhân khi ngộ độc rượu sẽ có các biểu hiện như sau:
- Rối loạn ý thức ở các mức độ khác nhau: kích thích, sững sờ, hôn mê.
- Thở chậm (ít hơn tám hơi thở một phút).
- Da xanh.
- Thân nhiệt thấp.
- Bất tỉnh.
Ngoài ra, rượu là một chất kích thích dạ dày và có thể gây nôn mửa. Nó cũng làm giảm phản xạ há miệng. Điều này làm tăng nguy cơ bị nghẹt thở vì chất nôn nếu uống rượu quá mức. Còn là một nguy cơ vô tình hít phải chất nôn vào phổi, có thể dẫn đến một sự gián đoạn nguy hiểm hoặc gây tử vong do ngạt thở. Nôn quá nhiều cũng có thể dẫn đến mất nước nặng.
Ngộ độc rượu nặng có thể gây tử vong. Những người sống sót có thể có tổn thương não không thể đảo ngược.
Xử trí khi ngộ độc rượu
- Khi nghi ngờ bệnh nhân có ngộ độc rượu cần đưa bệnh nhân đến ngay trung tâm y tế gần nhất.
- Ổn định bệnh nhân và điều trị triệu chứng
- Tẩy độc và tăng thải trừ chất độc:
+ Sử dụng các chất giải độc (nếu có)
+ Lọc máu để thải độc (nếu cần thiết)
Phòng chống ngộ độc rượu
Để phòng tránh ngộ độc rượu, cần phải đảm bảo các biện pháp sau:
- Không uống cồn công nghiệp và rượu có hàm lượng Methanol > 0,1% vì có thể gây mù mắt và tử vong.
- Không uống rượu nồng độ từ 30 độ trở lên vượt quá 30ml/người/ngày.
- Không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính hay rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân.
- Không uống rượu khi: Không biết đó là rượu gì, rượu không có nguồn gốc, rượu không công bố tiêu chuẩn chất lượng, khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị.