Vitamin A là một trong những nguyên tố vi lượng cần thiết đối với sức khỏe con người. Việc thiếu hụt Vitamin A có thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng đối với sức khỏe, đặc biệt là đối với trẻ em.
BS. Trương Bảo Duy
Vai trò của Vitamin A
Vitamin A có nhiều tác dụng quan trọng đối với cơ thể, trong đó một số vai trò quan trọng của Vitamin A có thể kể đến như:
- Tăng trưởng: giúp trẻ tăng trưởng và phát triển hoàn thiện hơn. Thiếu Vitamin A trẻ sẽ chậm lớn, còi cọc, suy dinh dưỡng.
- Thị giác: vitamin A có vai trò quan trọng đối với chức phận thị giác. Sắc tố nhạy cảm với ánh sáng nằm ở võng mạc là rhodopsin gồm protein và dẫn xuất của Vitamin A. Khi tiếp xúc với ánh sáng, rhodopsin phân giải thành opsin và retinal. Khi mắt nghỉ, Vitamin A dần dần được khôi phục từ retinal nhưng không hoàn toàn.
- Bảo vệ biểu mô: Vitamin A bảo vệ sự toàn vẹn của các biểu mô, giác mạc mắt, biểu mô da, niêm mạc khí quản, ruột non và các tuyến bài tiết. Khi thiếu vitamin A, biểu mô và niêm mạc bị tổn thương; tổn thương ở giác mạc mắt dẫn đến hậu quả mù lòa.
- Miễn dịch: Vitamin A tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể. Thiếu Vitamin A làm giảm sức đề kháng với bệnh tật, dễ bị nhiễm trùng nặng đặc biệt là sởi, tiêu chảy và viêm đường hô hấp dẫn tới tăng nguy cơ tử vong ở trẻ nhỏ.
Một số loại thực phẩm chứa nhiều Vitamin A
Nguyên nhân thiếu Vitamin A
Vitamin A cho cơ thể có thể thu được thông qua thực phẩm ăn hàng ngày hoặc các chế phẩm bổ sung. Vitamin A khi vào cơ thể sẽ được dự trữ tại gan, do đó một số bệnh nhân mắc bệnh về gan cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng dự trữ Vitamin A của cơ thể. Ngoài ra một số nguyên nhân gây thiếu hụt Vitamin A thường gặp có thể là:
- Do ăn uống thiếu vitamin A: cơ thể không tự tổng hợp được vitamin A mà phải lấy từ thức ăn, do vậy nguyên nhân chính gây thiếu vitamin A là do chế độ ăn nghèo vitamin A và chất Caroten (tiền vitamin A). Do Vitamin A là một Vitamin tan trong dầu, nếu bữa ăn dù cung cấp đủ vitamin A nhưng lại thiếu đạm và dầu mỡ thì cũng làm giảm khả năng hấp thu và chuyển hóa vitamin A. Ở trẻ đang bú thì nguồn vitamin A là sữa mẹ, nếu trong thời kỳ này mẹ ăn thiếu vitamin A sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đứa trẻ.
- Nhiễm trùng: trẻ bị mắc các bệnh nhiễm trùng đặc biệt là sởi, viêm đường hô hấp, tiêu chảy và cả nhiễm giun đũa cũng gây thiếu vitamin A.
- Suy dinh dưỡng: thường kéo theo thiếu vitamin A vì cơ thể thiếu đạm để tham gia việc chuyển hóa vitamin A.
Biểu hiện của thiếu hụt Vitamin A
Như đã đề cập ở trên, Vitamin A có vai trò rất quan trọng đối với thị lực. Biểu hiện sớm của việc thiếu Vitamin A là thị lực suy giảm, cụ thể là suy giảm nhẹ thị lực gọi là quáng gà (khả năng nhìn giảm mạnh khi độ chiếu sáng thấp). Thiếu hụt liên tục sẽ sinh ra một loạt các thay đổi, có tính chất hủy hoại nhiều nhất diễn ra ở mắt. Các thay đổi về thị giác được gọi chung là bệnh khô mắt. Đầu tiên là sự khô đi của màng kết do biểu mô của tuyến tiết nước mắt và nước nhầy bị thay thế bằng biểu mô keratin hóa. Tiếp theo là sự tích tụ các mảnh vụn keratin thành các mảng trong mờ nhỏ (vệt Bitot) và cuối cùng là sự ăn mòn bề mặt màng sừng thô ráp với sự thoái hóa và phá hủy của giác mạc (keratomalacia) và mù toàn phần. Các thay đổi khác còn có suy giảm miễn dịch, chậm tăng trưởng và suy dinh dưỡng ở trẻ em, da bị sừng hóa, bong vảy và tróc, gây phá vỡ hàng rào bảo vệ, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập làm nhiễm trùng tại chỗ.
Liều lượng và nguồn cung cấp Vitamin A
Vitamin A liều cao có thể được bổ sung cho một số trường hợp như trẻ trong độ tuổi từ 6- 36 tháng tuổi (có thể mở rộng lên đến 60 tháng) khi đến lịch. Ngoài ra, Vitamin A có thể được chỉ định điều trị trong các bệnh: bệnh khô mắt, quáng gà, trẻ em chậm lớn, dễ mắc bệnh truyền nhiễm đường hô hấp, bệnh trứng cá, da tóc móng khô giòn, làm chóng lành vết thương vết bỏng. Liều lượng uống 5000UI mỗi ngày.
Đối với nhu cầu bình thường, Vitamin A có thể được bổ sung bằng các thức ăn hàng ngày. Vitamin A được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm, nó tồn tại trong thực phẩm có nguồn gốc động vật dưới dạng ritenol, còn trong thực vật dưới dạng caroten (tiền viatamin A). Gan động vật, lòng đỏ trứng, bơ, sữa, pho mát, rau muống, rau ngót, rau cải xanh, bí đỏ, cà rốt, xoài có chứa nhiều vitamin A... Đặc biệt lưu ý do Vitamin A là Vitamin tan trong dầu, cho nên việc sử dụng các thực phẩm chứa Vitamin A cần phải đi kèm với các thực phẩm giàu chất béo và protein để đảm bảo việc hấp thu Vitamin A một cách trọn vẹn nhất.