Sốt xuất huyết - những điều cần biết

05-08-2017 11:55 Khang Phan Pharma 1344
Rate this item
(0 votes)

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do virus Dengue gây ra với 4 type gây bệnh được ký hiệu là DEN-1, DEN-2, DEN-3, DEN-4. Do miễn dịch được tạo thành sau khi mắc bệnh chỉ có tính đặc hiệu đối với từng type cho nên người ta có thể mắc bệnh sốt xuất huyết lần thứ 2 hoặc thứ 3 bởi những type virus khác nhau. 

Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm virus sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Hai loại muỗi vằn truyền bệnh là Aedes aegypti và Aedes albopictus, trong đó chủ yếu là do Aedes aegypti. Muỗi vằn cái đốt người vào ban ngày, đốt mạnh nhất là vào sáng sớm và chiều tối. Muỗi vằn thường trú đậu ở các góc, xó tối trong nhà, trên quần áo, chăn màn, dây phơi và các đồ dùng trong nhà. Muỗi vằn đẻ trứng, sinh sản chủ yếu ở dụng cụ chứa nước sạch ở trong và xung quanh nhà như bể nước, chum, vại, lu, khạp, giếng nước, hốc cây... các đồ vật hoặc đồ phế thải có chứa nước như lọ hoa, bát nước kê chạn, lốp xe, vỏ dừa..., không đẻ ở ao tù, cống rãnh có nước hôi thối. Muỗi vằn phát triển mạnh vào mùa mưa, khi nhiệt độ trung bình vượt trên 20ºC.

muỗi

Diệt muỗi là phương pháp hữu hiệu phòng chống bệnh sốt xuất huyết

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bệnh sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp, gia tăng về phạm vi và số lượng người mắc bệnh qua từng năm tại nhiều quốc gia. Hiện bệnh lưu hành tại 128 quốc gia, hơn 3,9 tỷ người sống trong vùng nguy cơ bị mắc bệnh, hàng năm có khoảng 390 triệu người nhiễm bệnh. Tại khu vực Đông Nam Á, có tới 7 trong số 10 nước bị sốt xuất huyết nặng nề, bệnh luôn là nguyên nhân hàng đầu của các trường hợp nhập viện và tử vong ở trẻ em; từ năm 1980 trở lại đây số mắc sốt xuất huyết đã tăng lên gần gấp 5 lần so với 30 năm về trước. Năm 2017, số mắc/100.000 dân tại nhiều nước khu vực châu Mỹ và Đông Nam Á ở mức rất cao như: Peru (195), Nicaragua (199), Argentina (121), Brazil (171), Ecuador (49), Malaysia (141), Philippines (33), Lào (30), Singapore (20). 

Tại Việt Nam, bệnh sốt xuất huyết có tỷ lệ mắc trên/100.000 dân là 56,7. Bệnh lưu hành ở hầu hết các tỉnh, thành phố, nhưng tập trung chủ yếu tại các tỉnh miền Nam và miền Trung. Trong 7 tháng đầu năm 2017, cả nước ghi nhận 58.888 trường hợp mắc (50.497 trường hợp nhập viện), có 17 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ 2016 số trường hợp nhập viện tăng 9,7%.

Bệnh sốt xuất huyết có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên phổ biến và nguy hiểm nhất với trẻ em. Đối với các bậc phụ huynh, khi trẻ có những triệu chứng dưới đây, nên xem xét đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị:

   - Sốt: sốt cao đột ngột, nhiệt độ 39-40oC, sốt kéo dài 2-7 ngày, sốt kèm các triệu chứng: mệt mỏi, chán ăn, đau bụng ở thượng vị hoặc hạ sườn phải, đôi khi nôn, gan to ở trẻ em hay gặp hơn người lớn, đôi khi da sung huyết hoặc có phát ban. Trẻ em nhỏ sốt cao, đôi khi co giật, hốt hoảng.

   - Đau đầu, đau mình, đau cơ, đau khớp, đau quanh hố mắt, viêm kết mạc (đau mắt đỏ).

   - Xuất huyết ngoài da: biểu hiện như các chấm xuất huyết, vết bầm tím, rõ nhất là xuất huyết ở mặt trước 2 cẳng chân, mặt trong 2 cẳng tay, gan bàn tay, lòng bàn chân.

   - Xuất huyết ở niêm mạc: chảy máu cam, chảy máu chân răng, xuất huyết dưới màng tiếp hợp, đi tiểu ra máu, kinh nguyệt kéo dài hoặc xuất hiện kinh nguyệt sớm hơn kỳ hạn. Xuất huyết tiêu hóa: nôn ra máu, đi đại tiện ra máu.

Bệnh sốt xuất huyết hiện chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu, tuy nhiên có thể hạn chế sự bùng phát của dịch bệnh bằng những hành động đơn giản nhưng rất thiết thực và quan trọng để phòng chống dịch, cụ thể như sau:

1. Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.

2. Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn. Loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá ...

3. Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.

4. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

5. Khi có những triệu chứng như đã nêu trên cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.

BS. Trương Bảo Duy        

(Theo Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế)